Tuesday, May 31, 2011

Xác định mục tiêu trong việc làm vườn

Do được hỏi về việc "làm thế nào để xác định mục tiêu trong cuộc sống" của mỗi người, tôi muốn đem việc này để áp dụng vô chuyện trồng cây làm vườn để được một công đôi chuyện.


Mỗi cá nhân trong cuộc sống đều luôn có ít nhất một mục tiêu nào đó để theo đuổi có những mục tiêu nhỏ, mục tiêu lớn; mục tiêu trước mắt, mục tiêu lâu dài; mục tiêu trong công việc, mục tiêu trong gia đình... Bạn không thể sống mà không có mục tiêu, chỉ có điều bạn có biết mục tiêu của bạn là gì hay không thôi.
Vì đây là một blog “trồng cây” nên tôi xin mượn hình tượng một khu vườn gia đình để nói về việc xây dựng mục tiêu cá nhân trong cuộc sống. Một khi bạn thực hiện nhuần nhuyễn những kỹ năng được đề cập ở đây, trong việc trồng cây, bạn cũng sẽ có thể ứng dụng chúng vào việc xây dựng những mục tiêu cá nhân khác.
Việc đầu tiên để xây dựng mục tiêu cá nhân là phải biết được “bạn muốn gì?” Trong ví dụ của chúng ta về “trồng vườn”, chúng ta sẽ phải tự hỏi “mình muốn gì ở cái vườn?”. Câu trả lời có thể là “muốn cái vườn giúp mình thư giãn”; “muốn cái vườn là nơi tiêu tốn thời gian”; “muốn cái vườn là nơi chưng bày những chậu hoa chậu cây quý”, “muốn cái vườn là nơi gia đình quây quần mỗi ngày” v.v... và v.v...

Để tìm được câu trả lời chính xác, bạn phải thật thoải mái tâm trí khi cố gắng trả lời cho câu hỏi “muốn gì?” này. Và có thể bạn không chỉ có một câu trả lời mà có thể có nhiều câu trả lời; đừng ngần ngại liệt kê hết những câu trả lời mà bạn có được trong đầu; có những câu trả lời xác đáng, cần phải suy nghĩ nghiêm túc thêm, nhưng cũng có những câu trả lời kém chất lượng và tự bạn sẽ thấy cần phải loại bỏ.
Làm sao để chọn được những mục tiêu xác đáng?
Mục tiêu xác đáng sẽ hội đủ 5 yếu tốt S-M-A-R-T, giải thích như sau:
1/ S = specific / cụ thể. Ý nghĩa “cụ thể” được xác định thông qua việc “gọi được tên”, ví dụ khi ta nói “tôi muốn có một cái vườn đẹp” thì chưa cụ thể, bởi lẽ khái niệm "đẹp” rất mù mờ, có thể đối với người này là đẹp nhưng đối với người khác thì không phải thế. Theo tôi mục tiêu cụ thể là một điều gì đó mà chúng ta có thể "nhìn thấy" được trong suy nghĩ của mình. Ví dụ, để biến mục tiêu "một cái vườn đẹp" được cụ thể hơn, ta có thể mô tả nó như sau:
- một cái vườn quanh năm cây cối xanh tốt; hoặc
- một cái vườn luôn luôn đầy màu sắc.



2/ M= measurable / đo lường được. Tiêu chí thứ hai, đo lường được, gắn liền với tiêu chí "cụ thể"; bởi vì nếu không cụ thể thì cũng khó đo lường được.
Trong ví dụ "một cái vườn" giúp chúng ta giới hạn số lượng cũng như vị trí, "quanh năm" giúp chúng ta định lượng thời gian. Với mục tiêu như thế này, chúng ta sẽ dễ dàng chọn lựa cây trồng cũng như những thứ khác để giúp mục tiêu của chúng ta đạt được.



3/ A = achievable / có thể đạt được. Một khi mục tiêu của chúng ta là cụ thể và đo lường được như trong ví dụ trên, tiêu chí "có thể đạt được" sẽ giúp cho chúng ta không vung tay quá trán để rồi gây ra chán nản vì mục tiêu quá khó. Cũng cần phải nói thêm, trong tiêu chí này, chúng ta cần lưu ý đến "phong cách và điều kiện sống" của mình thì mục tiêu của chúng ta mới dễ đạt được.

Cũng có thể, sau khi xét về điều kiện sống của chúng ta, chúng ta thấy không thể đạt được mục tiêu "quanh năm xanh tốt", vì chúng ta không có nhiều thời gian để theo dõi cây cối trong suốt một năm; hoặc chúng ta không có đủ phương tiện để tưới tắm theo đúng nhu cầu của cây cối bởi lẽ nơi chúng ta ở khan hiếm nguồn nước, v.v...
Trong những truờng hợp ấy, chúng ta buộc phải thay đổi mục tiêu sao cho không quá khó khăn để đạt được. Đảm bảo tiêu chí "có thể đạt được" sẽ giúp chúng ta phấn khởi khi thực hiện công việc.

4/ R = realistic / thực tiễn. Gọi là "thực tiễn" nghĩa là ... mục tiêu không quá xa vời đối với "phong cách và điều kiện sống" của chúng ta. Trong việc làm vườn, nếu chúng ta ở xứ nóng nhưng lại đặt ra mục tiêu "trồng được các loại hoa ôn đới" thì quả là không thực tiễn. Chúng ta cần phải nhìn thật rõ những gì có thể xảy ra quanh chúng ta để đặt ra mục tiêu cho mình.
5/ T = Timebound = có giới hạn thời gian. Một mục tiêu không thể kéo dài vô tận mà phải gói gọn vào một khoảng thời gian nhất định nào đó. Chúng ta có thể sống một đời người kéo dài hàng 70, 80 thậm chí 90 năm, nhưng chúng ta không thể dùng hết từng ấy thời gian để theo đuổi một mục tiêu. Vì vậy chúng ta cần đề ra thời gian giới hạn cho việc thực hiện mục tiêu của mình.



Trong ví dụ làm vườn, chúng ta có thể đặt ra mục tiêu như sau:
- trong hai tháng sắp tới, tôi muốn có một cái vườn có nhiều hoa đầy màu sắc.
- từ giờ đến hết mùa mưa, tôi muốn thay hết chậu cho đám cây ngoài vườn, v.v...
Trong bài sau tôi sẽ trao đổi về việc xác định ưu tiên.

Thursday, May 19, 2011

Trồng cẩm cù như thế nào?

Cẩm cù, có tên tiếng Anh là Hoya, là một giống dây leo sống bám trên cây rừng. Cẩm cù được tìm thấy nhiều ở Đông Nam Á và các đảo quốc thuộc châu Đại dương. Mặc dầu vậy, nó lại "nổi tiếng" ở các nước ôn đới!

Tôi không rõ cẩm cù được phát hiện ở Việt Nam bao lâu rồi, và tôi cũng không có ý làm một bài nghiên cứu khoa học về giống này. Ở đây tôi chỉ xin được chia sẻ cách tôi trồng cẩm cù để các bạn có thể mạnh dạn sưu tầm và nuôi trồng loại dây leo bình dị nhưng có hoa rất dễ thương này.
Xét về mặt sinh sống trong tự nhiên thì cẩm cù sống bám trên cây cao. Vào mùa mưa nó được uống nước mưa còn vào mùa nắng thì nó chỉ uống sương đêm, nếu có. Vì vậy chất trồng mà tôi dùng để trồng cẩm cù là loại dớn được bán rất nhiều ở Dalat.

Loại chất trồng này có thể giúp cẩm cù bám rễ tốt, hút được chất ẩm được lưu giữ trong dớn nhưng không làm úng rễ cẩm cù, vốn rất mảnh, vì dớn rất thông thoáng.
Có nhiều loại dớn trên thị trường; có loại dớn dùng để trồng lan hồ điệp, loại trồng lan Cattleya... Những loại dớn đó đắt tiền và tôi thấy không thích hợp vì cái thì giữ nước nhiều quá, cái lại không giữ tí nước nào. Duy chỉ có loại dớn "xay" Dalat là thích hợp nhứt.
Dớn "xay" Dalat được xay nhỏ ra từ những gốc và cành cây dương xỉ núi, có người còn gọi là Sơn tuế. Tôi thì không rành những danh từ khoa học thực vật nên chỉ nói nôm na từ thông dụng. Các bạn có thể mua loại dớn này ở chợ cây cảnh Dalat, hoặc những nơi bán vật dụng trồng cây ở Dalat. Giá cả rất dễ chịu.

Trước khi trồng, tôi thường ngâm dớn vào nước, xả nhiều lần cho sạch. Sau đó thì trồng đoạn cẩm cù vào rồi tưới đẫm một lần nữa là xong.
Tiếp theo, tôi sẽ treo chậu cẩm cù vừa trồng xong vào chỗ mát. Ở TSV, vào mùa mưa tôi thường treo cẩm cù ở dưới tán cây ngoài trời để chúng được hưởng nước mưa. Vào mùa nắng tôi treo cẩm cù trong nhà lưới để dễ bề tưới tắm.

Theo tài liệu này thì cẩm cù không thích khí hậu quá nóng hoặc quá lạnh, trong độ từ 15oC đến 25oC là tốt nhứt. Tuy vậy chúng vẫn có thể chịu đựng khí hậu nóng hơn, nhưng có lẽ nóng quá thì chúng ít trổ bông, tùy
một vài giống cụ thể.
Thực tế ở Đặng gia trang đã chứng minh: mặc dầu cùng giống, cùng chất trồng, chế độ chăm sóc giống nhau nhưng cẩm cù ở TSV liên tục trổ bông còn ở ĐGT thì ngược lại.
Tóm lại, cẩm cù là một giống tầm gởi rất dễ tính, sống sao cũng được. Chất trồng thích hợp nhất đối với chúng là dớn "xay" Dalat, chúng thích ở chỗ nhiều ánh sáng nhưng không bị nắng trực tiếp, và có nhiệt độ không quá nóng hoặc quá lạnh.
Related Posts with Thumbnails