Saturday, June 11, 2011

Trồng lá màu / coleus

Lá màu / Coleus là loại cây dễ tính, không cần phải chăm sóc nhiều nhưng vẫn luôn sặc sỡ. Nếu bạn muốn khoảnh vườn của mình luôn đầy màu sắc nhưng bạn không có nhiều thời gian chăm sóc, lá màu là một lựa chọn hàng đầu. Chúng thích hợp với mọi miền khí hậu.


Bạn sẽ dễ dàng tìm được nhiều loại lá màu ngoài vựa cây kiểng. Thường khi mua về bạn sẽ thấy chúng được trồng trong tro trấu. Loại chất trồng này thích hợp để giâm cành nhưng sẽ không thích hợp nếu sử dụng lâu dài cho nên việc đầu tiên bạn nên làm là thay chất trồng cho chậu lá màu của bạn.
Chất trồng thích hợp cho lá màu nếu trồng trong chậu, tất nhiên cũng sẽ là loại chất trồng không đất (soilless mix) mà tôi đã giới thiệu trước đây.
Ngược với niềm tin thông thường, lá màu không ưa nắng nhiều. Nếu trồng chỗ nhiều nắng, cây sẽ nhanh chóng trở nên xơ xác và cháy màu.
Lá màu háu ăn nên rất thích được cho ăn thường xuyên. Để duy trì độ sung của cây, bạn nên thường xuyên bấm ngọn, nhất là khi thấy cây có hiện tượng trổ bông.
Muốn nhân giống lá màu bạn có thể gieo hạt, hoặc nhanh hơn là giâm cành. Chọn những cành chưa trổ bông, cắt ngắn độ 30cm rồi cắm vào giá thể đã được tưới đẫm trước đó. Xong đem đặt chậu giâm ở nơi không có nắng trực tiếp, và chỉ phun sương giữ ẩm khi lớp đất mặt bị khô.

Sau khoảng 3-5 ngày, cành giâm sẽ tươi tỉnh trở lại. Khi ấy bạn có thể tưới nhẹ và khi thấy cành giâm bắt đầu ra thêm lá ở ngọn, bạn sẽ bấm bỏ ngọn và cắt bớt diện tích phiến lá để kích thích cành giâm ra tược nhánh.

Chẳng bao lâu bạn sẽ có một chậu lá màu mới, đây sức sống.


Chúc bạn luôn có niềm vui cùng cỏ cây do mình tự trồng và nhân giống!

Wednesday, June 8, 2011

Chữa bịnh "lá nổi gân xanh" cho các loại cây có bông

Một số loài cây có bông đẹp như dừa cạn (Vinca), dạ yên thảo (Petunia), cẩm tú cầu (Hydrangea), đỗ quyên (Azelea, Drododendron)... thường gặp một chứng bịnh lá cây màu xanh vàng, nhìn thấy rất rõ gân lá màu xanh.

Tuy nhìn thấy như vậy nhưng cây vẫn tươi, hoa vẫn nở có vẻ như bình thường.
Bịnh này được cho là kết quả của việc cây trồng thiếu sắt (iron deficiency), và cách trị bịnh rất dễ dàng, đó là hạ thấp độ pH trong chất trồng để cây có thể hút được chất sắt có sẵn trong đó.
Những loại cây đã liệt kê bên trên thường ưa thích chất trồng có độ pH dưới 6, nói nôm na là "đất chua". Nếu độ pH trong chất trồng vượt quá số này sẽ xảy ra hiện tượng thiếu sắt như trên. Chúng ta có thể hạ độ pH bằng các hóa phẩm thương mại.

Nhưng dễ dàng nhứt cho các "bà nội trợ trồng cây" là pha một ít dấm ăn vào nước rồi tưới cho cây. Tỉ lệ pha là 1 muỗng cà-phê cho 1 lít nước, tưới hàng tuần trong thời gian "chữa bịnh".
Song song với việc tưới dấm, chúng ta cũng có thể tăng cường bón phân, nhất là đối với những loại cây háu ăn như dạ yên thảo. Để tránh shock phân, chúng ta có thể pha loãng phân bón qua lá rồi tưới vào gốc, cách ngày.
Thực tế tôi đã làm như thế đối với chậu cây dạ yên thảo của tôi. Và sau hơn 2 tuần lễ, chậu cây đã không còn hiện tượng vàng lá như lúc mới mua về.

Trước khi chữa bịnh.

Sau khi chữa bịnh


Bạn có thể tham khảo thêm về bịnh thiếu sắt tại đây.

Saturday, June 4, 2011

Cách trồng và chăm sóc cây "một mùa / annuals"

Là những bà nội trợ trồng hoa, chúng ta ít biết cây hoa nào là cây hoa nào. Chúng ta mua cây vì thấy chúng có hoa đẹp, nhất là ở VN nơi người ta chỉ bán cây khi chúng đang có hoa chứ ít có chỗ bán cây con đem về trồng đợi hoa. Vì vậy khái niệm về cây "một mùa / annuals" hay "xuyên mùa / perennials" hoàn toàn xa lạ đối với chúng ta. Tuy nhiên, sự hiểu biết về giống loại cây này sẽ rất hữu ích để giúp chúng ta biết cách cư xử với các loại cây hoa.


Chúng ta hay gặp nhiều ở các cửa hàng cây kiểng là loại hoa "một mùa / annuals". Gọi chúng là "một mùa" vì chúng chỉ trổ bông một lần trong suốt quá trình tồn tại của cây. Những loại cây hoa một mùa thường đậu hạt và nảy mầm từ hạt rất dễ dàng.

Ví dụ thực tế như hoa cúc nút áo (globeamaranth), vạn thọ (marigold), sao nháy (cosmos)... Đối với những loại cây này, khi chúng ta trồng một lần, chúng ta sẽ luôn có cây con cho các lần sau vì khả năng "tự mọc" của chúng rất cao.

Chất trồng:

Chúng ta thường mua cây một mùa đang hoa. Tốt nhất bạn nên kiểm tra chất trồng của nó hiện có là gì; nếu chất trồng là loại giữ nhiều ẩm quá hoặc bó chặt rễ quá thì cần phải thay bằng loại chất trồng phù hợp đối với cây trồng chậu. Ưu điểm của loại chất trồng này là giữ đủ ẩm và tạo được mức độ thông thoáng cần thiết cho bộ rễ phát triển nhanh. Bạn có thể xem lại cách pha chế chất trồng cây trong chậu tại đây.


Phân bón:

Ngoài ra vì cây một mùa có vòng đời ngắn và chủ yếu trồng vì bông, nên chúng ta cần phải thường xuyên bón đủ phân để cây có đủ dinh dưỡng. Chúng ta có thể bón phân hóa học (N-P-K) hay phân hữu cơ. Chủ yếu là loại thúc và dưỡng bông, có hàm lượng P cao. Phân hóa học có ưu thế tác động nhanh nhưng cũng làm chai đất; phân hữu cơ tác động chậm hơn nhưng đồng thời tăng chất mùn cho đất. Nếu bạn muốn có kết quả tức thì, phân hóa học là lựa chọn tốt; ngược lại bạn có thể yên tâm dùng phân hữu cơ. Liều lượng phân bón nên chỉ bằng 1/3 thông tin ghi trên bao bì mỗi lần bón.

Chăm sóc:

Khi thấy hoa trên cành tàn, bạn nên cắt bỏ để cây không phải nuôi hạt mà tập trung dưỡng chất trổ bông mới. Tuy nhiên nếu bạn muốn dưỡng hoa lấy hạt, thì bạn nên chọn một vài hoa sung sức để nuôi và không cắt bỏ khi những hoa đó tàn. Sau đó bạn sẽ theo dõi để thu hoạch hạt khi cánh hoa khô hết, chỉ còn lại đài hoa mang hạt bên trong đã trở màu đen.

Lấy hạt và bảo quản:

Bạn nên thu hoạch hạt vào lúc trời nắng khô để tránh hạt ẩm chất lượng xấu. Sau khi thu hạt xong, bạn có thể gieo ngay hoặc nếu chưa thuận tiện thì cho vào túi giấy và cất trong ngăn rau của tủ lạnh. Tỉ lệ nảy mầm của hạt giảm dần theo thời gian cất giữ.
Chúc bạn có một vườn hoa như ý muốn.

Friday, June 3, 2011

Xác định ưu tiên trong công việc

Tiếp theo bài viết về "Xác lập mục tiêu", bài này tôi muốn chia sẻ cách tôi  vẫn áp dụng trong việc xác định ưu tiên trong công việc của mình, đặc biệt là trong việc làm vườn.

Xác định được ưu tiên trong công việc giúp chúng ta phân bổ nguồn lực (thời gian, công sức, tiền bạc, v.v...) hợp lý. Hai hai yếu tố cần phải quan tâm khi xác định ưu tiên là:
- Quan trọng
- Cấp bách
Việc quan trọng là việc có thể giúp bạn chắc chắn đạt được mục tiêu; việc cấp bách là việc cần phải thực hiện ngay tức thì nếu không mục tiêu của bạn sẽ bị ảnh hưởng.
Vì vậy bạn phải xác định cho được, trong vô vàn những việc có liên quan đến "trồng cây, làm vườn", việc nào là quan trọng để tập trung nguồn lực thực hiện cho được và việc nào là cấp bách để thực hiện ngay tức thì.
Ví dụ việc quan trọng trong làm vườn là "chọn cây phù hợp". Và việc cấp bách trong làm vườn là "bắt sâu, thay chậu".
Muốn xác định được hai yếu tố này, bạn cần phải liệt kê một loạt những công việc bạn cần phải thực hiện để hoàn thành mục tiêu. Tiếp theo, với danh sách công việc đó, bạn lần lượt đặt những câu hỏi sau:
- Nếu tôi không làm tốt việc này thì mục tiêu chung sẽ như thế nào?
- Nếu tôi không làm ngay việc này thì mục tiêu chung sẽ như thế nào?
Dựa vào câu trả lời để xác định việc "quan trọng" hay việc "cấp bách" và thực hiện. Việc "quan trọng" thì phải làm đến nơi đến chốn; việc "cấp bách" thì phải làm ngay.

Trong cuộc sống hàng ngày chúng ta làm rất nhiều việc. Nhưng nếu không biết việc đó có quan trọng hay không chúng ta sẽ có thể làm dối. Hoặc nếu không biết việc đó có cấp bách hay không chúng ta sẽ có thể trì hoãn.
Cả hai trường hợp đều dẫn đến kết quả không tốt, gây căng thẳng cho chính bản thân và có thể cho những người chung quanh.
Thay lời kết:
Như nhiều người nghĩ, làm vườn là một công việc "trọn đời", không quan trọng cũng không cấp bách. Tuy vậy, nó có thể hữu ích cho cuộc sống của chúng ta. Trong việc làm vườn, nếu chúng ta có mục tiêu, có xác định ưu tiên, chúng ta sẽ không khó để có một khoảnh vườn xanh tươi quanh năm suốt tháng.
Mở rộng ra trong cuộc sống, nếu chúng ta có mục tiêu, có xác định ưu tiên, chúng ta sẽ không bị căng thẳng, đuối sức và cho dù bận rộn, chúng ta vẫn có thời gian cho việc làm vườn và hưởng thụ thành quả lao động nó đem lại.
Related Posts with Thumbnails