Wednesday, August 31, 2011

Nổi buồn & Niềm vui Dạ Yên Thảo

Ất hẵn tất cả chúng ta đều ít nhiều "bị" Dạ yên thảo / Petunia mê hoặc bởi vẻ đẹp của chúng. Và ắt hẵn trong chúng ta cũng đã nhiều lần thốt  lên "thôi, không trồng dạ yên thảo nữa" bởi sự ỏng ẹo của chúng. Trong số này có chủ blog!
Tôi đã từng hí hửng và từng thất vọng khi trồng dạ yên thảo; hí hửng khi vừa trồng và thất vọng sau một mùa hoa vì không tìm hiểu kỹ về loài hoa này. Mãi đến gần đây, sau bao nhiêu lần thất bại, tôi mới chịu đọc và giờ đây xin chia sẻ với bạn bè của "Chuyện trồng cây".
Dạ yên thảo, tên tiếng Anh là Petunia, là một loại hoa một mùa (annual); nghĩa là chúng chỉ trổ bông một đợt rồi tàn luôn cả cây. Chúng ta thường mua dạ yên thảo ở ngoài chợ khi chúng đang tưng bừng trổ bông.



Sau một thời gian, khi những cái ngọn dạ yên thảo vươn dài, chùng xuống chung quanh cái chậu treo thì cũng là lúc những cái lá ở gốc vàng, rụng... và cái gốc trong chậu nhìn rất chán, như thế này.



Song vì chúng ta thấy ở đầu ngọn vẫn có hoa và hoa vẫn tươi nên chúng ta không cắt bỏ cành trơ, để thế "chịu đựng" một thời gian và cuối cùng chậu dạ yên thảo ra đi, bởi lẽ chúng đã... hết sức sống!
Khi nhìn thấy dạ yên thảo "trơ gốc", việc chúng ta cần làm là... cắt bỏ hết những cành vươn dài. Trước khi cắt, chúng ta quan sát thật kỹ phần gốc sẽ thấy ở đó "dường như là" đang có những mầm tược mới, dù rất bé. Đó là tín hiệu tốt!


Việc cần làm tiếp theo là...nhấc cả gốc dạ yên thảo ra khỏi chậu, nhẹ nhàng bỏ bớt phần đất ở đáy chậu, rồi cho thêm chất trồng mới vào và đặt lại cây vào chậu. Kinh nghiệm của chú blog là nhà vườn, khi trồng dạ yên thảo để bán cho chúng ta, đã dùng chất trồng khá xốp nên không cần phải thay. Chúng ta cho thêm chất trồng mới, có trộn thêm dinh dưỡng, để kích thích cây ra rễ mới.
Cuối cùng là tưới tắm và theo dõi. Chỉ một thời gian ngắn sau đó, chúng ta sẽ thấy những mầm tược ở gốc lớn dần và chậu dạ yên thảo lại rực rỡ bông khi những cái tược này phát triển đúng độ.

Chúng ta "buộc" dạ yên thảo hồi sinh được bởi vì ở VN, khí hậu không quá lạnh và dạ yên thảo thuộc chủng loại hoa "mùa hè" ở các nước ôn đới.
Cho tới lúc này, hai chậu hoa dạ yên thảo ở TSV đang vào độ sung mãn sau khi được cắt ngắn tận gốc hơn 1 tháng trước đây.


Ngoài ra, một lưu ý nữa nếu bạn trồng dạ yên thảo là chúng nó rất "háu ăn" nên chúng ta phải thuờng xuyên bón phân, hoặc là bón qua lá hoặc là bón vào gốc. Và nếu chúng bị bệnh "nổi gân, vàng lá" thì chứng tỏ chúng ăn chưa đủ và/hoặc chất trồng có độ pH cao hơn nhu cầu của chúng. Lúc ấy bạn phải làm song song hai việc, tưới giấm pha loãng và tăng cường bón phân, ít nhất là mỗi tuần một lần.
Dù là thế, tôi nghĩ rằng chậu dạ yên thảo cũng sẽ sớm tàn rụi bởi vì... cuối cùng chúng cũng chỉ là loại cây một mùa! Nhưng chí ít bạn cũng đã có thời gian thưởng thức vẻ đẹp của nó dài hơn khi bạn biết cách chăm sóc chúng.
Chúc bạn thành công.

Wednesday, August 17, 2011

Cây xanh nội thất

Cây và hoa ắt hẵn không nhiều thì ít, mang lại cho chúng ta sự thanh thản bình yên! Chẳng thế mà nhà nào cũng chưng hoa trong phòng khách nếu không là quanh năm suốt tháng thì cũng vào những dịp lễ lạc hội hè.
Hoa đem lại màu sắc cho ngôi nhà nhưng chưng hoa trong nhà thì khá tốn tiền vì hoa chưng không được bền do điều kiện sinh trưởng của chúng đòi hỏi phải có nhiều ánh sáng, thậm chí là nắng và chúng ta phải thay đổi liên tục. Tuy vậy cũng có một vài loại hoa sống được trong nhà nhiều ngày.

Ứng viên đầu tiên cho loại này là Lan ý, tiếng Anh gọi là Peace lily. Lan ý có hoa màu trắng, lá xanh mướt rất dễ trồng và khá phù hợp với điều kiện ánh sáng yếu. Lan ý cũng phù hợp với mọi miền khí hậu, nhưng thích nhứt là khí hậu nóng ẩm.
Nếu bạn ở xứ lạnh quanh năm, như Dalat, bạn có thể trồng African violets để có hoa chưng trong nhà quanh năm suốt tháng. African violets cũng khá dễ trồng với điều kiện đảm bảo khí hậu thích hợp, từ 15o đến 25oC. Chúng có thể ở mãi trong nhà bên cạnh cửa sổ và trổ bông mút mùa, đợt nọ kế tiếp đợt kia.
Hồng môn / Anthurium cũng là ứng viên sáng giá để trồng trong nhà. Hồng môn có nhiều loại, loại cao to (gọi là đại hồng môn) và loại cao vừa (trung môn) thì không phù hợp trồng trong nhà lắm do chúng rất to. Ngược lại loại mini (gọi là tiểu hồng môn) thì trồng trong nhà ngon lành. Đặc biệt là loại Hồng môn thiên nga.



Ngoài những loại cây cho hoa này, bạn còn có thể chọn những loại cây chịu bóng râm để trồng trong nhà, trang trí và tạo cảm giác mát mẻ cho phòng khách nhà bạn.

Sáng giá nhứt là các loại fern / dương xỉ. Đặc biệt thích hợp chưng trong nhà là loại dương xỉ Maidenhair fern. Loại dương xỉ này thích hợp với mọi miền khí hậu.
Dây Ivy (tên tiếng Việt là thường xuân) cũng thích hợp trồng ở những chỗ nắng yếu. Tuy nhiên nếu trồng ở xứ nóng thì cây không bền như ở xứ lạnh.


Cây "càng cua kiểng" / peperomia cũng là một loại cây khá phù hợp để chưng ở phòng khách. Cây này thích hợp trồng ở xứ lạnh, nếu trồng ở xứ nóng thì phải chăm hơi cực hơn do cây có dạng mọng nước, dễ bị úng nếu khí hậu nóng ẩm nhiều.


Bên cạnh đó, bạn còn có thể trồng dây trầu bà, cây phát tài hoặc kim phát tài. Tất cả những loại cây này khá phù hợp với khí hậu nóng.


Tuy là cây chịu sống trong nhà, bạn cũng cần thỉnh thoảng cho chúng ra ngoài một vài tuần để "cải thiện".
Thêm một tí mẹo nhỏ để giúp bạn chưng cây trong nhà; theo đó bạn nên gom những chậu cây vào một chổ, tạo nên những "góc cây". Nếu đặt chúng rải rác, sẽ không tạo được ấn tượng mạnh; nếu cần bạn có thể đặt chúng cạnh những bức hình hoặc vật trang trí khác.

Chúc bạn có một phòng khách ấm cúng với cây và hoa điểm xuyết, xinh tươi.
GHI CHÚ: toàn bộ hình ảnh trong bài này đều thuộc quyền sở hữu của Túy Sơn Viên. Nếu các bạn muốn sử dụng, xin để nguồn trích từ blog này. Rất cám ơn.

Thursday, August 11, 2011

Trồng African violet

Có thể ở Việt Nam không có nhiều người trồng African Violet vì loại cây này đòi hỏi khí hậu và chất trồng thích hợp. Nhưng tôi vẫn muốn chia sẻ ở đây cách trồng và thay chất trồng cho loại hoa này.

Trước tiên, chúng ta cần biết rằng African Violet là một loại cây sống trong nhà, không chịu được ánh nắng trực tiếp và cũng không chịu được nước mưa xối xả trên tán lá. AV chỉ cần ánh sáng từ ngoài rọi vào nhà ở gần cửa sổ, thậm chí có thể là ánh sáng đèn, là đủ sống và phát triển.

Ngược với những loại cây sống trong nhà khác, AV lại trổ bông được ở chỗ ánh sáng yếu. Bông AV có nhiều màu và rất bền vì mỗi cành bông có nhiều búp liên tục phát triển. Mỗi đợt bông của AV kéo dài hàng tháng!

Đây là một vài cây AV ở TSV.




Chất trồng của AV bao gồm 3 thành phần chính: Vermiculite để giữ ẩm, Perlite để làm thông thoáng rễ, và chất hữu cơ đã phân hủy từ thảm thực vật ở rừng (là đất đen Di Linh).


Trộn xong nhìn như thế này:


Để giúp cho AV phát triển tốt, tôi sử dụng phân bón hòa tan trong nước của Schultz.


Africa Violet ở TSV được nuôi bằng dây dẫn làm bằng sợi len. Khi thay chất trồng, hoặc trồng, AV... việc đầu tiên là luồn sợi len vào chậu, rồi dùng một miếng giấy tissue để lót đáy chậu, tránh làm chất trồng rơi ra ngoài. Tiếp theo là cho chất trồng vào chừng phân nửa chậu và làm ướt đẫm.
Vì những cây AV ở TSV đã được trồng nhiều năm nên gốc của nó đã vươn dài, do đó tôi phải cắt bỏ bớt để hạ độ cao, tạo sự hài hòa cho cây. Bạn đừng sợ rằng cắt gốc như thế thì cây sẽ chết; đối với AV việc cắt bỏ gốc chỉ làm cho cây bị "shock" một lúc, rồi sau đó nó sẽ ra rễ mới và trở thành bình thường ngay.

Sau khi cắt gốc, tôi còn phải lấy dao cạo bớt lớp vỏ bì của thân để giúp cây mau ra rễ mới.


Cuối cùng là cho phần cây đã vệ sinh gốc vào chậu và cho thêm chất trồng, rồi tưới lại một lượt vào chất trồng và đặt cây AV trở vào khay.

Vì những cây AV của tôi bị cắt mất gốc nên tôi cũng phải bỏ bớt lá để thu gọn cây, tránh bớt cho cây bị shock nên từ những chậu cây lớn, giờ đây những cây AV có tán lá bé hơn và được trồng vào những cái chậu bé hơn cho tương thích với điều kiện: chậu trồng AV phải có đường kính bằng 1/3 đường kính tán lá.
Thế là tôi chỉ còn chờ đợi một thời gian để những cây AV này ra rễ mới và phát triển rồi trổ bông, như chúng đã từng trổ bông từ 5 năm nay!

Cùng bạn đọc "Chuyện trồng cây"


Lâu nay đã có nhiều người lấy hình ảnh và thậm chí là cả bài viết của Túy Sơn Viên rồi đăng tải ở các diễn đàn mạng.
Thật ra, được người khác "copy" văn chương của mình cũng rất đáng tự hào là mình... viết được. Nhưng thật là ngại quá khi người copy bê nguyên xi câu chữ của Túy Sơn Viên để đăng mà lại không ghi xuất xứ.
Vì vậy chủ blog xin được nói rõ như thế này: nếu các bạn đọc cần sử dụng hình ảnh trên blog, xin hãy ghi vào comment để chủ nhân biết và yên tâm. Và cần hơn nữa, xin các bạn ghi rõ nguồn xuất xứ từ blog này.
Vô cùng cám ơn các bạn.
Related Posts with Thumbnails