Thursday, November 24, 2011

Trồng cà chua trong chậu treo ngược

Cà chua thì nhiều người đã trồng lâu nay, cho dù là dân nông thôn hay dân thành phố. Thế nhưng trồng cà chua "chúi đầu xuống đất" thì có lẽ trước giờ ở Việt Nam mình chưa ai thử qua!
Một cách tự nhiên, mọi cây cối đều hướng lên trời đón ánh sáng mặt trời để sống, còn bộ rễ thì cắm sâu vào đất để giữ thăng bằng cho cây. Trong khi đó cây cà chua "trồng ngược" lại có phần thân cây chúi xuống đất.
Bạn có thể dễ dàng tìm thấy hình ảnh cũng như thông tin trồng cà chua kiểu này trên mạng internet. Vừa rồi trên diễn đàn trồng hoa của WTT, một nhóm bạn trẻ đã có sáng kiến thi đua trồng cà chua "ngược"; và tất nhiên tôi cũng đã tham gia. Đây là những hình ảnh ban đầu của cây cà chua "treo ngược" của tôi. Các bạn có thể tham khảo để thử làm cho vui.

Hình 1: Cà chua con, gieo được gần 1 tháng

 
Hình 2&3: Tạo lỗ hổng ở đáy chậu để trồng cây cà chua


Hình 4 & 5: Lót lỗ trồng ở đáy chậu và cho chất trồng vào chậu, lèn chặt

Hình 6: Bịt chặt miệng chậu để lật ngược



Hình 7 & 8: Lấy miếng lót ở lỗ trồng, cho thêm chất trồng vào chậu,
và tưới đẫm nước

Hình 9: Trồng cây cà chua vào chậu

Hình 10: Treo ngược chậu cà chua, phần trên mặt chậu có thể trồng thêm
một vài cây hoa để trang trí

Ngoài việc tạo dáng đặc biệt, kiểu trồng này cũng giúp các bạn không có sân vườn rộng rãi vẫn có thể trồng được những cây cà chua để thêm rau xanh cho bữa ăn của mình.
Chúc bạn thành công.

Friday, November 18, 2011

Cập nhật hình ảnh về cây Hồng môn / Anthurium đã hạ gốc

Hồi tháng 9, tôi có nói về việc hạ gốc cây hồng môn. Sau hai tháng ổn định trong chậu trồng mới, cây hồng môn đã phát triển ngon lành và ra thêm một cái bông mới.


Xin cập nhật để các bạn đọc thêm yên tâm. Nếu các bạn chưa mạnh dạn hạ gốc những cây hồng môn của mình thì bạn hãy tiến hành đi nhé. Bạn có thể xem lại bài viết về cách hạ gốc hồng môn ở đây.
Giờ đây cây hồng môn này của TSV nhìn thấy hài hòa hơn trước rất nhiều.

Monday, November 14, 2011

Làm túi phân bón cho lan

Vừa rồi về Danang, không có sẵn túi phân cho lan, tôi đã phải đi mua túi phân bán sẵn ở tiệm cây kiểng với giá mắc điếng: một gói nhỏ xíu bên trong đựng phân Dynamic lifter được bán với giá 2,000 đồng!. Tính ra một ký lô phân Dynamic lifter có thể được bán với giá có thể từ 50,000 đồng đến 100,000 đồng!  Không tưởng tượng được sao mà mắc thế?!
Tôi nghĩ chắc cũng có nhiều người muốn "tự chế" cái túi phân để dùng cho các chậu lan nên sáng nay, nhân lúc bón phân cho lan, tôi thực hiện luôn loạt hình ảnh này để minh họa cách tôi làm các cái túi phân cho lan.

Hình 1: Đây là những cái túi trà Atichoke, đã dùng xong.


Hình 2: Dùng kéo cắt bỏ một cạnh của túi trà, và bỏ hết trà bên trong.


Hình 3: Những cái túi trà đã làm vệ sinh sạch sẽ, hong khô chuẩn bị được cho phân vô.


Hình 4: Dùng muỗng đổ phân NPK (có hàm lượng các chất thích hợp) vô túi với lượng vừa đủ cho cái túi


Hình 5: Gập mép túi lại, và ta sẽ có những túi phân NPK, sẵn sàng được đặt lên trên những chậu lan để bổ sung dinh dưỡng cho cây lan.


Chúng ta cần phải có những cái túi phân này vì không bón phân trực tiếp lên chậu cây lan được, do chất trồng là than, không có độ khít, nên các hạt phân sẽ chảy/lọt hết ra ngoài gây lãng phí.
Related Posts with Thumbnails