Sunday, February 26, 2012

Vì sao củ lan huệ mới trồng hay bị "đứng" và "úng rễ"?

Gần đây một số bạn trồng củ lan huệ hay gặp phải trường hợp vòi bông không phát triển và khi thăm khám thì phát hiện củ huệ bị úng hết rễ đã có từ trước.


Theo tìm hiểu của tôi, có thể là do những nguyên nhân sau đây.
1/ Củ huệ, nhất là củ mua từ nước ngoài đã được xử lý để trổ bông, đã mất rất nhiều sức. Chúng đã phải "ngủ" một thời gian dài, không "cơm-nước", sau đó còn phải di chuyển một quãng đường khá xa mới về đến tay chúng ta. Vì vậy, khi chúng ta trồng vào chậu, nhiều lúc vòi bông thấy nhú lên rồi nhưng đợi mãi vẫn không thấy chúng mọc lên cao. Trong trường hợp này, điều cần thiết là chúng ta hãy kiên nhẩn chờ đợi và theo dõi, nếu cần, chúng ta sẽ phải can thiệp bằng cách "cắt/xẻ" lớp bẹ lá bao bọc vòi bông để giúp nó dễ bề thoát ra khỏi củ mẹ vì củ mẹ không đủ sức để đẩy vòi bông ra ngoài một cách nhanh chóng.

Xẻ vỏ để giúp vòi bông thoát ra khỏi mình củ

Cắt bỏ lớp vỏ bao

2/ Nhiệt độ giữ vai trò quan trọng trong việc giúp vòi bông phát triển. Nếu như củ huệ cần có thời gian ngủ ở môi trường nhiệt độ thấp để thúc đẩy vòi bông bên trong mình củ hình thành, thì khi được trồng vào chậu, nó cần có nhiệt độ ấm hơn - khoảng 20oC trở lên - để giúp vòi bông phát triển, chui ra khỏi mình củ. Nếu chúng ta trồng củ huệ ở nền nhiệt độ thấp hơn 20oC, vòi bông có thể sẽ "đứng" và chờ.
Trong trường hợp này chúng ta cần tăng nhiệt độ cho chậu huệ bằng cách đặt nó dưới bóng đèn hoặc ở nơi có ánh nắng nhiều nhất.

Đặt chậu huệ dưới ánh đèn giữ ấm

3/ Khi thăm khám và phát hiện bộ rễ của củ huệ bị úng sạch, chúng ta không vội "hốt hoảng". Thật ra những cái rễ đã có sẵn từ trước khi trồng củ huệ vào chậu không chắc chắn là sẽ tiếp tục "sống" vì từ môi trường "khô thoáng" vào môi trường "ẩm kín", những cái rễ này có khuynh hướng sẽ chết và những cái rễ mới sẽ mọc ra.
Nhưng rễ mới sẽ mọc ra dễ dàng nếu chất trồng thông thoáng, đủ dưỡng chất và đặc biệt là "không khí". Cho nên nếu bạn phát hiện củ huệ bị úng rễ, điều đầu tiên nghĩ đến là liệu chất trồng đã đủ thoáng chưa. Nếu chất trồng đã đủ thoáng thì việc thứ hai phải để ý là...liệu bạn đã tưới đúng cách chưa.
Cần nhớ là khi mới trồng trở lại vào chậu, củ huệ chưa có rễ để hút ẩm chất và dinh dưỡng dẫn đến nước tưới sẽ bị thừa lại trong chậu và dễ gây úng rễ. Cho nên, khi trồng củ huệ vào chậu, chúng ta không nên tưới mà chỉ phun sương giữ ẩm khi mặt chậu nhìn khô. Chúng ta chỉ tưới vào chất trồng khi nào nhìn thấy củ huệ lên lá non vì đó là dấu hiệu chứng tỏ củ huệ đã bắt đầu có rễ.

 Chưa tưới, chỉ phun sương lớp mặt

Có thể bắt đầu tưới ít

Trên đây là những kiến thức và kinh nghiệm mà tôi đã thu thập được, xin chia sẻ cùng các bạn. Chúc các bạn trồng được những chậu huệ trổ bông đẹp.

4 comments:

  1. đọc được bài này con mừng quá cô, con mua được 1 củ hồng đào và nó ra 1 vòi bông rồi, tới vòi thứ 2 mới lú nụ thì ngưng luôn, nhổ lên thì rễ hư hết, may là củ huệ vẫn còn tươi chắc, giống y như cô chỉ, bây giờ con sẽ ngưng nước tới khi lá non lên, con cảm ơn cô nhiều lắm !

    ReplyDelete
  2. Cô ơi thăm khám củ huệ là nhổ lên xem phải ko cô! nhổ lên như vậy lỡ cây đã mọc rễ rồi liệu có ảnh hưởng gì ko cô? con có mấy củ huệ nhập từ nước ngoài về có củ đang chồi cái lá lên tự dưng đứng yên nhổ lên xem thì mấy cái rễ đã mất hết rồi, lúc trước con có bứt lên xem 1 lần thì thấy có vài cái rễ...

    ReplyDelete
  3. Đúng là phải nhổ lên mới biết là rễ tốt hay xấu! Nếu cháu trồng bằng chất trông thông thoáng thì nhổ lên dễ dàng không sợ đứt rễ đâu; còn nếu chất trồng quá chặt thì có thể làm đứt rễ. Nhưng cũng không sao vì huệ dễ tính, nếu nó không bị úng, nó sẽ ra rễ khác.

    ReplyDelete
  4. Củ Samba của con lại bị hư hết rể rồi Cô ơi, cho nên con lọ mọ đi tìm lại bài viết này của Cô! :(

    ReplyDelete

Related Posts with Thumbnails