Friday, June 8, 2012

Bịnh Stem blight / Héo thân...trên cây Dạ yên thảo

Hình như ai trồng DYT và dừa cạn Thái ở xứ mình cũng đều gặp phải cảnh "đau lòng"... buổi sáng tưới cây trước khi đi làm thì thấy mấy chậu cây vẫn tưng bừng hoa lá, đến chiều về thì...ôi thôi, một vài em lại buồn rủ rượi và đến sáng hôm sau chúng ra đi không lời từ biệt chủ nhân!


Dạ yên thảo / Petunia, và cả dừa cạn / Vinca, thường bị một loại "bịnh" có tên tiếng Anh là Stem blight. Biểu hiện bịnh thường thấy là một đoạn thân khô khiến cho cây héo lá.


Khi chúng ta để chậu cây ngoài nắng, nhất là khi chúng có lá gốc um tùm, chúng ta không dễ gì nhìn thấy đoạn thân khô đó. Cái mà chúng ta thấy được dễ nhất là cây héo lá. Và khi thấy lá cây héo, việc đầu tiên chúng ta làm là...tưới. Nhưng tưới nước không cứu được khi cây đã bị Stem blight!



Theo lý thuyết trên internet thì cây bị bịnh stem blight là do một loại nấm (hay virus?) Phytophthora nicotianae gây ra. Loại nấm này phát triển khi môi trường chậu cây ẩm nhiều và không thoáng gió. Người ta khuyên khi thấy dấu hiệu cành cây bị héo khô thì nên ngắt bỏ và đưa cây ra chỗ thông thoáng gió, đặc biệt là thông thoáng ở phần gốc cây.


Bữa trước TSV để mấy em DYT nhí này ngay trên nền nhà, chung quanh là những chậu cây huệ trưởng thành. Nghi ngờ mấy ẻm bị che chắn kỹ quá, lại còn hưởng chế độ nước tưới thường xuyên như đám cây lớn cộng thêm thời tiết mùa mưa cho nên một em DYT nhí đã dính chưởng và đang hấp hối.

Hôm nay, tụi nhóc đã được đưa lên kệ cao cho thoáng gió và sẽ đồng thời hạn chế nước tưới. Để xem có thêm em nào ra đi vì Phytophthora nicotianae nữa không.

Ôi, DYT thiệt là đỏng đảnh, khó chơi!

Sunday, April 22, 2012

Nhiệt độ và màu hoa lan huệ

Mùa lan huệ năm nay vì bận chăm sóc cháu ngoại ở Saigon nên những củ huệ ở Dalat có vòi bông được tôi đem hết về Saigon để ngắm vì nghĩ để ở TSV sẽ hoài phí vì không có người thưởng thức! Trong số những củ huệ đem về có cả đám huệ nội mua ở Dalat lẫn những củ huệ ngoại mua từ nước ngoài. Và đã xảy ra một hiện tượng lạ.

Bạn hãy nhìn hai bông lan huệ này, đều là Candy floss / Hồng tiên và bạn có nhận ra sự khác biệt không?

 Candy floss - TSV 2011

Candy floss - Saigon 2012

Tương tự như thế, đây là Apple blossom / Hồng đào

Apple blossom - TSV 2011

Apple blossom - Saigon 2012

Và cuối cùng là Cẩm tiên

Cầm tiên - TSV 2011

Cẩm tiên - Saigon 2012

Trước giờ tôi vẫn chủ quan cho rằng, ở nơi có nhiệt độ cao hoa sẽ có màu đậm hơn nơi nhiệt độ thấp. Điều này phù hợp với cây sứ Thái được trồng ở xứ nóng nơi có nhiệt độ và sóng tia cực tím cao sẽ có màu thắm hơn nơi có nhiệt độ thấp. (Tham khảo tài liệu ở đây).

Ấy thế nhưng trong trường hợp lan huệ trên đây, thực tế chứng minh ngược lại: khi lên vòi và trổ bông ở TSV,  đám lan huệ của tôi có màu đậm hơn lúc được đem về Saigon! Điều này cũng phù hợp với tài liệu này.

Một số người trồng lan huệ trên một diễn đàn ở nước ngoài cũng khẳng định, nhiệt độ có thể làm thay đổi màu sắc của lan huệ. (Xem thêm tại đây.)

Tôi muốn chia sẻ với các bạn, đặc biệt là các bạn đang trồng những loại lan huệ giống ngoại ở Saigon, có thể mùa sau cây bông của các bạn sẽ không còn màu sắc tươi thắm như mùa này khi chúng mới được nhập về. Và bạn có thể tin rằng màu sắc thay đổi là do nhiệt độ và tia cực tím có trong ánh sáng mặt trời ở Saigon gây nên.

Sunday, February 26, 2012

Vì sao củ lan huệ mới trồng hay bị "đứng" và "úng rễ"?

Gần đây một số bạn trồng củ lan huệ hay gặp phải trường hợp vòi bông không phát triển và khi thăm khám thì phát hiện củ huệ bị úng hết rễ đã có từ trước.


Theo tìm hiểu của tôi, có thể là do những nguyên nhân sau đây.
1/ Củ huệ, nhất là củ mua từ nước ngoài đã được xử lý để trổ bông, đã mất rất nhiều sức. Chúng đã phải "ngủ" một thời gian dài, không "cơm-nước", sau đó còn phải di chuyển một quãng đường khá xa mới về đến tay chúng ta. Vì vậy, khi chúng ta trồng vào chậu, nhiều lúc vòi bông thấy nhú lên rồi nhưng đợi mãi vẫn không thấy chúng mọc lên cao. Trong trường hợp này, điều cần thiết là chúng ta hãy kiên nhẩn chờ đợi và theo dõi, nếu cần, chúng ta sẽ phải can thiệp bằng cách "cắt/xẻ" lớp bẹ lá bao bọc vòi bông để giúp nó dễ bề thoát ra khỏi củ mẹ vì củ mẹ không đủ sức để đẩy vòi bông ra ngoài một cách nhanh chóng.

Xẻ vỏ để giúp vòi bông thoát ra khỏi mình củ

Cắt bỏ lớp vỏ bao

2/ Nhiệt độ giữ vai trò quan trọng trong việc giúp vòi bông phát triển. Nếu như củ huệ cần có thời gian ngủ ở môi trường nhiệt độ thấp để thúc đẩy vòi bông bên trong mình củ hình thành, thì khi được trồng vào chậu, nó cần có nhiệt độ ấm hơn - khoảng 20oC trở lên - để giúp vòi bông phát triển, chui ra khỏi mình củ. Nếu chúng ta trồng củ huệ ở nền nhiệt độ thấp hơn 20oC, vòi bông có thể sẽ "đứng" và chờ.
Trong trường hợp này chúng ta cần tăng nhiệt độ cho chậu huệ bằng cách đặt nó dưới bóng đèn hoặc ở nơi có ánh nắng nhiều nhất.

Đặt chậu huệ dưới ánh đèn giữ ấm

3/ Khi thăm khám và phát hiện bộ rễ của củ huệ bị úng sạch, chúng ta không vội "hốt hoảng". Thật ra những cái rễ đã có sẵn từ trước khi trồng củ huệ vào chậu không chắc chắn là sẽ tiếp tục "sống" vì từ môi trường "khô thoáng" vào môi trường "ẩm kín", những cái rễ này có khuynh hướng sẽ chết và những cái rễ mới sẽ mọc ra.
Nhưng rễ mới sẽ mọc ra dễ dàng nếu chất trồng thông thoáng, đủ dưỡng chất và đặc biệt là "không khí". Cho nên nếu bạn phát hiện củ huệ bị úng rễ, điều đầu tiên nghĩ đến là liệu chất trồng đã đủ thoáng chưa. Nếu chất trồng đã đủ thoáng thì việc thứ hai phải để ý là...liệu bạn đã tưới đúng cách chưa.
Cần nhớ là khi mới trồng trở lại vào chậu, củ huệ chưa có rễ để hút ẩm chất và dinh dưỡng dẫn đến nước tưới sẽ bị thừa lại trong chậu và dễ gây úng rễ. Cho nên, khi trồng củ huệ vào chậu, chúng ta không nên tưới mà chỉ phun sương giữ ẩm khi mặt chậu nhìn khô. Chúng ta chỉ tưới vào chất trồng khi nào nhìn thấy củ huệ lên lá non vì đó là dấu hiệu chứng tỏ củ huệ đã bắt đầu có rễ.

 Chưa tưới, chỉ phun sương lớp mặt

Có thể bắt đầu tưới ít

Trên đây là những kiến thức và kinh nghiệm mà tôi đã thu thập được, xin chia sẻ cùng các bạn. Chúc các bạn trồng được những chậu huệ trổ bông đẹp.

Sunday, January 15, 2012

Làm que đỡ cho lan huệ

Lại đến mùa huệ nở nên tôi muốn chia sẻ với các bạn cách làm cây đỡ để giúp những vòi lan huệ xinh đẹp của chúng ta đứng vững.
Do củ huệ của chúng ta vừa mới được trồng vào chậu, rễ chưa ra nhiều để có thể giữ vững cái củ trong khi những vòi bông lại vươn cao và đầy bông sẽ tạo ra tình trạng "nặng phần đầu / top heavy", khiến cho vòi bông ngã nghiêng nhìn không đẹp; tệ hơn có trường hợp vòi bông bị gãy ...là những điều chúng ta không hề muốn!
Thông thường, nếu dễ tính (!), chúng ta có thể lấy bất kỳ cái que nào nhỏ nhỏ để cắm vào chậu bông huệ và cột cái vòi bông vào đó. Song chúng ta muốn có cái gì "chính quy" hơn, xinh đẹp hơn... và đây là cách thực hiện que đỡ "chính quy".

Vật liệu rất dễ tìm: móc áo bằng nhôm có đường kính không quá to + 1 cái kềm. (Móc áo nhôm vừa cứng, lại vừa dòn rất dễ cắt.)




Cách làm:

 Bước 1:  Dùng kềm gỡ phần "uốn dính" của móc áo





Bước 2:  Dùng tay bẻ thẳng hai bên phần "cong" của móc áo, để có được một cây que dài



Bước 3:  Bẻ bỏ phần "móc" trên cây que, sau đó dùng kềm tạo một vòng tròn ở đầu que; bạn có thể quấn cây que vào một vật tròn để tạo dáng cho đẹp. Sau khi có cái vòng tròn "cơ bản", dùng kềm bẻ tiếp để vòng tròn kín lại hơn.



Bước 4 - Dùng kềm bẻ gấp cây que sao cho cái vòng tròn nằm ở trên đầu cây que



Bước 5 - Cắt bỏ bớt những phần que thừa, sao cho vừa đủ cắm vào chậu. Chú ý khi cắm vào chậu, hãy nhẹ tay lách vòi bông vào vòng tròn. Bạn có thể dùng dủa để mài nhẵn "đầu que" hòng tránh làm tổn thương vòi bông.




Bước 6 - Nếu bạn là người "ưa thích sự hoàn chỉnh", bạn có thể thắt thêm cái nơ để trang điểm cho que đỡ. Và nếu bạn muốn que đỡ đẹp "không còn chỗ nào chê", bạn có thể dùng sơn màu xanh lá, hoặc giấy thủ công màu xanh lá, để bao phủ toàn bộ que đỡ!


Cuối cùng bạn đã có một que đỡ cho vòi bông lan huệ xinh đẹp của bạn! Chúc bạn có một mùa lan huệ bội thu.
Related Posts with Thumbnails