Monday, December 27, 2010

Khi nào nên gọt bớt "đế" củ lan huệ

Vẫn còn đang trong mùa "ép huệ" nên nói tiếp chuyện lan huệ.
Trong thực tế chúng ta thỉnh thoảng bắt gặp một vài củ lan huệ có cái "đế" (basal plate) rất dày, nhất là đối với những củ huệ nhiều tuổi. Vì sao củ huệ lại có cái "đế" dày đó?


"Đế" của củ huệ là phần nằm bên dưới củ. Từ đây, rễ sẽ mọc ra và theo năm tháng, cái "đế" này sẽ ngày càng dày thêm do những lớp rễ hàng năm rụng đi. Nếu "đế" củ dày quá, những lớp rễ mới từ bên trong sẽ rất khó mọc làm cản trở sự phát triển của củ huệ; hạn chế số lượng lá và số lượng vòi hoa của củ huệ.
Vì vậy, khi thấy "đế" củ huệ dày hơn 10mm thì ta nên gọt bớt, chỉ chừa lại khoảng chừng 3mm thôi, để rễ mới mọc được dễ dàng hơn hầu hút được chất dinh dưỡng nuôi củ.


Sau khi gọt bớt "đế" củ, cần hong cho củ huệ khô trước khi trồng để tránh làm hư úng.
Bạn có thể tham khảo thêm về củ lan huệ (Amaryllis/Hippeastrum) tại đây.

Sunday, December 26, 2010

Chậu trồng cây

Xưa nay những người sống ở thành phố, ít nhiều mỗi nhà đều có một vài chậu kiểng. Đàn ông lớn tuổi thì thích trồng cây lưu niên, phụ nữ thì trồng hoa hồng, hoa cúc. Nhưng ít ai để ý đến cái chậu như thế nào thì tốt cho cây.


Phần lớn mọi người có suy nghĩ rằng, cây trồng trong chậu vì phải gò bó nên nếu có được cái chậu càng to, chứa được càng nhiều "đất" càng tốt cho cây vì nó sẽ thỏa thuê phát triển, giống như ở ngoài đất. Vì vậy, cho dù cái cây nhỏ xíu, họ cũng trồng vào một cái chậu khá to, to gấp nhiều lần nhu cầu sinh trưởng của nó. Kết quả là biết bao nhiêu cây hoa, cây quả lần lượt ra đi không kèn không trống. Và không ai hiểu tại sao.
Theo các diễn đàn sân vườn nước ngoài nơi các thành viên đã bỏ nhiều công nghiên cứu, phần lớn cây bị chết là vì... cái chậu trồng to quá, chứa nhiều "đất" quá! Và họ lý giải chuyện "chậu to cây chết" như sau: khi cây còn nhỏ, bộ rễ còn ít và nhu cầu hút nước cũng ít. Trong khí đó cái chậu thì to, chứa nhiều chất trồng. Khi tưới nước, nước sẽ ngấm vào chất trồng và nằm ở đó. Ngày một ngày hai, lượng nước tích lại không được tiêu thụ bởi vì cây nhỏ, nhu cầu về nước không nhiều, dẫn đến làm cho úng rễ chết cây.
Vậy thì nên chọn chậu cho cây như thế nào?
Về lý thuyết thì chậu cây chỉ nên có đường kính lớn hơn từ 2cm đến 5cm so với bầu rễ của cây. Với cái chậu "chật chội" như vậy, và với chất trồng không đất / soilless mix, lượng nước giữ lại trong chất trồng chỉ đủ cho nhu cầu của cây. Vì vậy chất trồng luôn khô thoáng giúp cho rễ cây phát triển tốt. Và cứ thế cây lớn dần.
Khi thấy rễ cây thò ra ngoài lỗ thoát nước bên dưới đáy chậu cũng là lúc cần thay cái chậu khác cho cây. Cái chậu mới cũng sẽ có đường kính không lớn hơn bộ rễ từ 2cm đến 5cm. Cứ thế chúng ta thay dần chậu, và cả chất trồng, cho cây cho đến khi nào cây hết lớn thì thôi.


Nhiều người cho rằng cái lý thuyết đó không hẵn đúng, vì cây trồng ngoài đất bao la, mà sao nó không chết?! Xin thưa rằng ở ngoài đất, nước và rễ cây không bị giam hãm. Nước tưới thừa sẽ tha hồ ngấm sang chỗ đất khác; còn rễ cây cũng tha hồ bò vươn tới những nới có điều kiện sinh sống phù hợp với nhu cầu của nó. Cho nên cây trồng ngoài đất không bị nguy cơ úng rễ như cây trồng trong chậu, nơi mà nước không thể thoát hết ra ngoài và rễ cũng không thể chạy đi khỏi vành chậu!
Tóm lại, cây trồng trong chậu cần được quan tâm nhiều hơn cây trồng ngoài đất: phải quan tâm đến chất trồng và quan tâm đến cả kích thước của cái chậu nữa.

Tuesday, December 21, 2010

Cách lưu trữ phấn hoa lan huệ

Người trồng lan huệ luôn muốn có được những màu huệ mới do mình lai tạo. Tuy nhiên chúng ta gặp một khó khăn là đôi lúc những củ huệ lại không nở đồng loạt một lúc để chúng ta dễ dàng tiến hành thụ phấn. Lúc ấy chúng ta cần phải thu giữ phấn hoa để dành sử dụng về sau.
Phấn hoa có trên nhị của hoa. Phấn đạt độ tốt nhất khi chúng ta nhìn thấy rõ những hạt phấn li ti màu vàng trên vòi nhị.


Đễ lưu trữ ta cần tách rời bầu phấn khỏi vòi nhị để tránh chất ẩm từ trong vòi nhị sẽ có thể làm hỏng phấn hoa. Cách dễ nhất để tách rời bầu phấn là dùng một cái nhíp luồn vào bên dưới bầu phấn và hất nhẹ lên phía trên để tách ra.
Sau khi tách rời bầu phấn khỏi vòi nhị, ta nên đặt những bầu phấn lên một miếng bìa carton để hong cho khô hầu tránh bị mốc. Cũng có thể dùng dao bén cạo nhẹ để lấy hết phấn và bỏ phần lõi đi. Làm như thế để tránh hoàn toàn mốc ẩm.
Cuối cùng ta cho phấn hoa vào trong những bì giấy và cất vào ngăn chứa bơ của tủ lạnh. Phấn hoa lưu trữ như thế này có thể dùng tốt trong vòng 1 đến 2 tháng, thậm chí có thể đến 5 tháng.
Lưu ý là bạn cần phải ghi rõ thông tin về cây huệ mà bạn đã lấy phấn, và thời gian lấy phấn cụ thể để việc sử dụng lai tạo được chính xác về sau.
Bạn có thể tham khảo thêm cách lưu trữ phấn hoa lan huệ trên blog của Mr Brown Thumb tại đây.

Sunday, December 19, 2010

Cách thụ phấn lan huệ

Nhân mùa huệ trổ bông, mình muốn chia sẻ với khách viếng blog cách thụ phấn lan huệ. Do lan huệ sinh sản bằng cách nhảy con rất dễ dàng nên mục đích thụ phấn lan huệ không phải là để có được nhiều cây con đồng loạt mà là chủ yếu là để có được những màu huệ mới qua cách lai tạo chéo giữa hoa này và hoa kia, nhất là lúc có những giống huệ khác nhau đồng trổ bông.
Thụ phấn lan huệ rất đơn giản bởi các bộ phận giới tính của bông lan huệ rất dễ nhìn thấy: nhị là những vòi mang phấn và nhụy là vòi sẽ nhận phấn để tạo trái. Muốn thụ phấn ta chỉ cần làm cho phấn trên nhị dính vào vòi nhụy là xong. Thời gian trong ngày để thụ phấn không quan trọng, miễn sao vòi nhụy sẵn sàng là được.
Trên bông lan huệ, nhị sẽ phủ đầy phấn sau khi hoa nở một hoặc hai ngày. Nhưng vòi nhụy chỉ sẵn sàng nhận phấn sau ít nhất 3 hoặc 4 ngày. Lúc ấy, vòi nhụy sẽ cong lên và nở to nhìn rõ có 3 khía.

Khi ấy chỉ cần ngắt một vài vòi phấn trên hoa "bố" quét qua quét lại trên nhụy của hoa "mẹ" sao cho phấn bám đầy trên vòi nhụy là đạt yêu cầu.

Sau khi thụ phấn, nếu vòi nhụy chấp nhận phấn thì lúc cánh hoa huệ tàn ta sẽ thấy đài trái vẫn xanh tốt và bắt đầu phình to. Và sau vài tuần lễ trái huệ sẽ chín khô, nứt ra cho thấy rõ một mớ hạt màu đen ở bên trong.

Chỉ nên chọn những hạt huệ có mầm phôi để gieo. Muốn biết hạt có mầm phôi hay không, ta dùng hai ngón tay cái và trỏ cầm hạt huệ, nếu thấy có nổi cộm ở giữa hạt là có mầm phôi; ngược lại là hạt lép.
Các bạn có thể tham khảo về cách thụ phấn lan huệ trên blog của Mr Brown Thumb ở đường link này. (Có phần minh họa bằng video ở cuối bài viết trên blog.)
Chúc các bạn thành công.

Saturday, December 18, 2010

Chất trồng cho cây trong chậu

Trước giờ mọi người chơi cây kiểng ở mình không quá chú ý đến chất trồng; người có vườn hoặc ở quê thi lấy đất ngoài vườn, trộn thêm một ít phân chuồng rồi cho vào chậu để trồng cây, còn người ở thành phố thì ra hàng bán cây kiểng mua một bịch đất trộn sẵn có tro trấu, xơ dừa và phân bò về sử dụng. Kết quả thì "hên xui may rủi" có khi cây sống được vài mùa, có khi cây chết chỉ sau vài tháng, thậm chí vài tuần và mọi người chỉ nghĩ rằng... cây nó như thế! Thật ra cây không thể chết nhanh như vậy nếu nó được trồng với chất trồng phù hợp trong môi trường chật chội là cái chậu.

Một thành viên trên một mạng sân vườn nổi tiếng của Mỹ, Gardenweb, đã giới thiệu một loại chất trồng không dùng đất dành riêng cho cây trồng chậu. Loại chất trồng này đã được nhiều thành viên khác sử dụng cho kết quả tốt và về sau được gọi là "Al's mix", bao gồm 3 chất chính là vỏ thông, đá granite vụn, đất sét nung.

Nhiều vùng miền ở Việt Nam không có sẵn vỏ thông thì có thể thay thế bằng vỏ trấu khô, và đất sét nung bằng than củi đập vụn hoặc miểng ngói.
Ngoài ra để bổ sung dinh dưỡng và các thành phần vi lượng cần thiết cho cây, người ta thêm vào một ít phân chậm tan và thạch cao.
Tỉ lệ thông thường để pha trộn các chất chính là 1-1-1. Tuy nhiên tùy theo sở thích về "tưới tắm" của người trồng, có thể tăng thêm thành phần vỏ trấu để ít tưới hơn. Về phân chậm tan, tốt nhất là dùng loại hữu cơ đậm đặc có bán ở thị trường Việt Nam là Dynamic Lifter do Úc sản xuất.

Loại "chất trồng không đất" này có ưu điểm là thông thoáng, giữ ẩm nhưng không tích nước, nên giúp cho cây phát triển bộ rễ tốt để hấp thụ dinh dưỡng nuôi cây. Nó lại lâu phân hủy nên không làm ngộp rễ cây nên không cần phải thuờng xuyên thay chậu cho cây. Đặc biệt loại chất trồng này rất phù hợp để trồng bonsai hoặc những cây lưu niên như nguyệt quế, sứ, mai chiếu thủy v.v...
Các bạn đọc có thể tham khảo thêm về loại chất trồng "không đất" này tại đây và tại đây.

Friday, December 17, 2010

Giải phẩu củ huệ bị hư úng

Một số người "chơi huệ" sẽ có lúc gặp phải trường hợp đau buồn: củ huệ quý bị hư úng. Những lúc ấy cần phải biết cách "giải phẩu" để cứu củ huệ.
Tôi xin lấy bài viết và hình ảnh của một thành viên trên Gardenweb để minh họa cho cách giải phẩu cứu huệ bị úng.
Đây là củ huệ Emerald được trồng một thời gian sau khi mua về. Nhìn vẻ bề ngoài củ huệ vẫn ổn, nhấc nhẹ đã thấy có lực "trì lại" tức là đã ra rễ, nhưng vẫn không ra lá hoặc vòi bông.


Trong khi đó cái "lõi ngọn" của củ huệ bị khô và khi gở bỏ đi thì lòi ra một cái lổ trống màu đen.




Nghi ngờ củ huệ đã bị hư từ bên trong, chị ấy chuẩn bị "đồ nghề" để giải phẩu củ huệ bao gồm chất khử trùng (captan), dao bén, bật lửa đế khủ trùng dao.


Tiếp theo chị nhổ củ huệ lên, làm vệ sinh sạch sẽ để khám xét. Chị cắt bỏ phần hư ở cổ củ huệ để xem chỗ hư đã ăn đến đâu và gở bỏ hết những lớp vỏ khô bên ngoài, nhưng cuối cùng quyết định phải bổ củ huệ ra mới khám được. Những vệt úng màu đen đã ăn xuống gần đến 'gốc' của củ huệ.




Chị ấy đành phải chẻ cả củ huệ ra để cắt bỏ những phần đã hư úng, bôi chất khử trùng để tránh bị úng.






Cuối cùng chị cho những mẩu huệ đã được cắt tỉa cẩn thận vào bịch nylong có chứa chất Vermiculite, bịt kín, ghi thông tin cẩn thận và để vào chỗ có ánh sáng chờ cho những mẩu huệ ra rễ mới rồi đem trồng.



Bài viết được trích dịch từ đây.

Thursday, December 16, 2010

Trồng huệ và ép huệ trổ bông

Trước giờ ở VN hoa lan huệ (Amaryllis hoặc Hippeastrum) chỉ có một màu đỏ là nhiều nhưng không mấy người chú ý bởi vì quanh năm suốt tháng nó chỉ có độc một màu lá xanh biếc.
Hoa lan huệ chỉ trổ bông mỗi năm một lần, có khi đôi lần nhưng không nhiều cây được như thế.
Người VN thường để huệ tự sinh tự dưỡng ở bờ rào góc vườn, không trân trọng cho lắm. Chúng là loại cây dễ sống và cũng nhảy cây con rất nhiều, mỗi năm tùy theo củ có thể nhảy thêm từ 1-5 cây con.
Vì dễ tính như vậy nên huệ bị bỏ bê mãi cho đến vài năm trở lại đây khi Maichieuthuy giới thiệu về lan huệ trên một trang web hoa kiểng. Từ bấy đến giờ người yêu thích lan huệ cứ tăng dần và nhiều giống huệ có màu khác hơn màu đỏ được mọi người săn lùng. Và cũng đã có nhiều người bắt đầu học tập quy trình ép lan huệ trổ bông vào những dịp năm mới vì huệ có màu đỏ được cho là sẽ đem lại may mắn.


Trồng củ huệ đúng bài bản nhất là chỉ chôn 2/3 củ xuống đất thôi. Chất trồng phù hợp với huệ trồng chậu là loại không có đất (soilless) vì tự thân củ huệ đã tích trữ được khá nhiều nước trong các bẹ lá của nó; nếu chất trồng không thoát nước tốt sẽ dễ gây tổn hại đến củ huệ. Kinh nghiệm cho thấy nếu chất trồng thông thoáng, huệ sẽ ra rất nhiều rễ và lá và đến khi trổ bông thường cho nhiều vòi hoa cùng lúc.
Theo lý thuyết tổng hợp thì vòi hoa được hình thành bên trong các bẹ lá của củ huệ ít nhất 18 tháng trước khi nó nhô ra ngoài và trổ bông. Vì vậy cần phải nuôi dưỡng củ huệ thật tốt quanh năm để đến lúc ép bông sẽ có được vòi bông như ý.


Đã có nhiều "phiên bản ép huệ" kể từ khi Maichieuthuy giới thiệu loại hoa dân dã này trên cộng đồng mạng và hầu như phiên bản nào cũng đạt được kết quả tương đối tốt.
Điều mong muốn chủ quan của người ép huệ trổ bông là làm sao cho củ huệ trổ bông vào đúng dịp người ta muốn nó trổ. Muốn vậy phải biết lựa chọn đúng củ huệ có "tiềm năng trổ bông". Đó là những củ huệ khỏe mạnh, không nhất thiết phải to theo một kích cỡ nhất định, nhưng là củ huệ không bị bịnh tật gì trong suốt mùa sinh trưởng vừa qua, có được ít nhất 6 lá trưởng thành trở lên và quyết định nhứt là củ huệ đó đã không trổ bông ít nhất là 8 tháng liền kề trước đó. Củ huệ chắc chắn sẽ ra bông là củ huệ mà người ép đã trực tiếp trồng và chăm sóc từ 18 tháng trở lên.
Nếu bạn muốn biết rõ hơn về cách trồng củ huệ và ép huệ trổ bông, mời bạn vào đâyvào đây.

Saturday, December 4, 2010

Lý do của blog này

Trước giờ mình đã có hai trang blogs, một tiếng Việt và một tiếng Anh; nay lại thêm một trang blog "Chuyện trồng cây" này nữa là để tích cóp những gì mình biết và trải nghiệm ở đây để chia sẻ với những người đồng điệu.
Hiện giờ chưa có gì. Hẹn các bạn mai mốt nha.
Related Posts with Thumbnails