Thursday, November 24, 2011

Trồng cà chua trong chậu treo ngược

Cà chua thì nhiều người đã trồng lâu nay, cho dù là dân nông thôn hay dân thành phố. Thế nhưng trồng cà chua "chúi đầu xuống đất" thì có lẽ trước giờ ở Việt Nam mình chưa ai thử qua!
Một cách tự nhiên, mọi cây cối đều hướng lên trời đón ánh sáng mặt trời để sống, còn bộ rễ thì cắm sâu vào đất để giữ thăng bằng cho cây. Trong khi đó cây cà chua "trồng ngược" lại có phần thân cây chúi xuống đất.
Bạn có thể dễ dàng tìm thấy hình ảnh cũng như thông tin trồng cà chua kiểu này trên mạng internet. Vừa rồi trên diễn đàn trồng hoa của WTT, một nhóm bạn trẻ đã có sáng kiến thi đua trồng cà chua "ngược"; và tất nhiên tôi cũng đã tham gia. Đây là những hình ảnh ban đầu của cây cà chua "treo ngược" của tôi. Các bạn có thể tham khảo để thử làm cho vui.

Hình 1: Cà chua con, gieo được gần 1 tháng

 
Hình 2&3: Tạo lỗ hổng ở đáy chậu để trồng cây cà chua


Hình 4 & 5: Lót lỗ trồng ở đáy chậu và cho chất trồng vào chậu, lèn chặt

Hình 6: Bịt chặt miệng chậu để lật ngược



Hình 7 & 8: Lấy miếng lót ở lỗ trồng, cho thêm chất trồng vào chậu,
và tưới đẫm nước

Hình 9: Trồng cây cà chua vào chậu

Hình 10: Treo ngược chậu cà chua, phần trên mặt chậu có thể trồng thêm
một vài cây hoa để trang trí

Ngoài việc tạo dáng đặc biệt, kiểu trồng này cũng giúp các bạn không có sân vườn rộng rãi vẫn có thể trồng được những cây cà chua để thêm rau xanh cho bữa ăn của mình.
Chúc bạn thành công.

Friday, November 18, 2011

Cập nhật hình ảnh về cây Hồng môn / Anthurium đã hạ gốc

Hồi tháng 9, tôi có nói về việc hạ gốc cây hồng môn. Sau hai tháng ổn định trong chậu trồng mới, cây hồng môn đã phát triển ngon lành và ra thêm một cái bông mới.


Xin cập nhật để các bạn đọc thêm yên tâm. Nếu các bạn chưa mạnh dạn hạ gốc những cây hồng môn của mình thì bạn hãy tiến hành đi nhé. Bạn có thể xem lại bài viết về cách hạ gốc hồng môn ở đây.
Giờ đây cây hồng môn này của TSV nhìn thấy hài hòa hơn trước rất nhiều.

Monday, November 14, 2011

Làm túi phân bón cho lan

Vừa rồi về Danang, không có sẵn túi phân cho lan, tôi đã phải đi mua túi phân bán sẵn ở tiệm cây kiểng với giá mắc điếng: một gói nhỏ xíu bên trong đựng phân Dynamic lifter được bán với giá 2,000 đồng!. Tính ra một ký lô phân Dynamic lifter có thể được bán với giá có thể từ 50,000 đồng đến 100,000 đồng!  Không tưởng tượng được sao mà mắc thế?!
Tôi nghĩ chắc cũng có nhiều người muốn "tự chế" cái túi phân để dùng cho các chậu lan nên sáng nay, nhân lúc bón phân cho lan, tôi thực hiện luôn loạt hình ảnh này để minh họa cách tôi làm các cái túi phân cho lan.

Hình 1: Đây là những cái túi trà Atichoke, đã dùng xong.


Hình 2: Dùng kéo cắt bỏ một cạnh của túi trà, và bỏ hết trà bên trong.


Hình 3: Những cái túi trà đã làm vệ sinh sạch sẽ, hong khô chuẩn bị được cho phân vô.


Hình 4: Dùng muỗng đổ phân NPK (có hàm lượng các chất thích hợp) vô túi với lượng vừa đủ cho cái túi


Hình 5: Gập mép túi lại, và ta sẽ có những túi phân NPK, sẵn sàng được đặt lên trên những chậu lan để bổ sung dinh dưỡng cho cây lan.


Chúng ta cần phải có những cái túi phân này vì không bón phân trực tiếp lên chậu cây lan được, do chất trồng là than, không có độ khít, nên các hạt phân sẽ chảy/lọt hết ra ngoài gây lãng phí.

Wednesday, October 26, 2011

Cập nhật hình ảnh African violet sau khi hạ gốc

Hồi tháng 8 tôi có bài viết về cách trồng và thay chất trồng cho cây African violet. Từ bấy đến nay đã hơn hai tháng và chắc bạn đọc cũng muốn nhìn lại xem những chậu AV nhỏ nhắn của TSV nay đã như thế nào.
Ngay sau khi thay chất trồng xong, các em AV đã bén rễ cho dù trước đó toàn bộ các cây đều bị cắt ngang thân , bỏ gốc, để hạ độ cao. Lác đác có em còn ra nụ, nhưng để dưỡng sức cho cây, tôi đã ngắt bỏ hết nụ. Đây là hình chụp ngày 11/9, tức là một tháng sau.


Để phòng xa sợ trường hợp có cây AV cắt gốc không bén rễ nỗi nên tôi cũng đã lấy lá của từng đứa đem giâm và đến nay thì lá nào cũng đã lên cây con thấy thương.


Còn đây là hình mấy chậu AV đang trổ bông, chụp ngày hôm nay.




Chúc các bạn trồng AV thành công.

Saturday, October 8, 2011

Cập nhật hình ảnh Hanging basket

Hồi tháng 7 tôi có giới thiệu với bạn đọc "Chuyện trồng cây" cách thiết kế một Hanging basket (rổ treo). Hôm nay, sau 3 tháng, cái rổ treo ở TSV nhìn ngon lành rồi nên tôi muốn cập nhật hình ảnh để chia vui cùng các bạn.
Đây là hình ảnh phát triển của rổ treo qua thời gian.
Lúc mới trồng, 10/7


2 tuần sau, 28/7


1 tháng sau, 14/8


Hơn 2 tháng sau, 18/9


Gần 3 tháng sau, 7/10



Chúc bạn đọc có được những cái rổ treo duyên dáng nhé!

Tuesday, September 20, 2011

Hạ gốc hồng môn / anthurium

Hồng môn / anthurium có nhiều loài và có loài thực chất là một loai cây leo, chúng có thể vươn lên rất cao từ dưới gốc, tựa vào một vật nào đó, rồi lại trổ những cái rễ xuống đất để hút dinh dưỡng.
Khi trồng trong chậu một thời gian, cây trở nên lêu khêu, nhất là loại "trung môn", (tức là loại có bông to, lá to nhưng màu tươi; khác với loại cũng có bông to lá to nhưng màu hơi tối). Cây hồng môn này ở TSV đã trồng được 6 năm; giờ đây nó không còn đứng vững trong cái chậu của nó mà ngã nghiêng thế này.
Và tôi quyết định "hạ gốc" cho nó, để lấy lại dáng hài hòa giữa cây và chậu.
Hồng môn thích hợp được trồng bằng dớn. Trước đây tôi trồng bằng dớn bay, loại dớn 'bùi nhùi', đắt tiền. Nhưng giờ thấy không cần thiết như thế nên tôi trồng bằng dớn xay, rẻ tiền hơn rất nhiều. Trước khi trồng tôi ngâm dớn vào nước để cho nó trương đủ nước.
Kế tiếp tôi chọn đoạn thân có rễ đang phát triển và cắt tại đó.


Xong tôi bẻ bỏ bớt lá để tránh cho cây bớt bị shock vì mất nước qua lá.


Và sau cùng là trồng đoạn hồng môn (ngọn) đã cắt ngắn và tỉa tót xong.


Do dớn đã trương đủ nước nên những ngày đầu vừa trồng tôi không tưới tắm gì cho cây cả, đề phòng nước ngấm vào vết cắt làm úng cây.
Cây hồng môn trồng bằng dớn có bộ rễ phát triển rất khỏe mạnh.
Những người trồng hồng môn để lấy bông bán chợ thường tỉa hết lá trên thân cây, chỉ chừa lại 1 lá duy nhất vì cái lá đó sẽ ôm cái bông. Người ta nói làm thế để cây tập trung trổ bông quanh năm.


Giờ thì tôi chỉ còn chờ đợi để cây hồng môn này phát triển trở lại đẹp đẽ như xưa.

Saturday, September 10, 2011

Khi cây còi cọc

Thường khi thấy cây cối của chúng ta không phát triển tốt, cây còi cọc hoặc không trổ bông... chúng ta liền bón phân cho chúng vì nghĩ rằng chúng bị còi là do thiếu dinh dưỡng.
Cây thiếu dinh dưỡng là đúng; song việc sửa sai bằng cách bón phân cho chúng chưa hẵn là đúng bởi vì nếu bộ rễ của cây không tốt thì cho dù chúng ta có bón bao nhiêu phân, rễ vẫn không thể hút được chất bổ dưỡng trong phân và cây vẫn cứ còi cọc, đặc biệt là đối với cây trồng chậu.


Vậy trong những trường hợp đó chúng ta phải sửa sai như thế nào?
Trong kinh nghiệm trồng trọt của tôi, khi cây trong chậu bị còi, tôi thường kiểm tra bộ rễ bằng cách nhấc cây ra khỏi chậu. Nếu cây bật lên với chỉ một tí đất bám ở gốc và rễ cây có màu đen thì chứng tỏ cây bị còi vì rễ không phát triển và không hút được chất dinh dưỡng. Trong trường hợp này tôi sẽ thay chất trồng cho cây chứ không phải bón phân.

Hình trên đây trích dẫn từ Google Search

Chất trồng đúng, nghĩa là thông thoáng, giữ ẩm nhưng thoát nước tốt, sẽ tạo được những kẻ hở để không khí len lỏi vào chất trồng, nuôi rễ, giúp rễ khỏe mạnh để nuôi cây. Khi đó, nếu nhấc cây ra khỏi chậu, tôi sẽ thấy bộ rễ phát triển bao quanh bầu "đất" và rễ cây trắng muốt.


Với bộ rễ khỏe mạnh như vậy, cây sẽ được nuôi dưỡng tốt và nếu cây vẫn không xanh tốt thì lúc bấy giờ tôi mới cần phải bón phân.
Tóm lại, nếu bạn thấy cây trồng của mình, đặc biệt là cây trong chậu, không phát triển tốt thì hãy kiểm tra bộ rễ của cây trước khi bón phân. Nếu bộ rễ tốt, bám hết chất trồng, mà cây không được xanh tốt thì bạn hãy bón phân để bổ sung dinh dưỡng. Ngược lại nếu bộ rễ còi cọc, thay vì cố nuôi cây bằng phân bón, bạn hãy thay chất trồng thích hợp cho cây để giúp cho bộ rễ phát triển tốt trước đã. Vì nếu bộ rễ xấu, cho dù có bón phân, nó cũng không thể hút được chất dinh dưỡng để nuôi cây mà có khi phân còn có hại thêm cho rễ!


Chúc bạn có những chậu cây trồng xanh mướt, trổ bông rực rỡ.

Sunday, September 4, 2011

Trồng chậu 3-C

Trước giờ khi trồng hoa vô chậu, chúng ta thường trồng "mỗi chậu một cây"; cây lớn thì dùng chậu lớn, cây bé thì dùng chậu nhỏ.
Cái dở của việc trồng như thế là cây cối nhìn rời rạc, không tạo được ấn tượng, và đặc biệt là rất "gượng gạo", không tự nhiên như khi nhìn vào một khóm cây ngoài thiên nhiên.


"3-C" là cách gọi tắt của "Chủ-Chen-Chùng", chuyển ngữ từ khái niệm "Thriller-Filler-Spiller" là cách trồng gọp 3 cây (hoặc 3 loại cây) vào cùng một chậu, tạo thành một khóm hoa cao thấp, nhiều màu sắc như vốn có trong thiên nhiên.


Để trồng một chậu 3-C, chúng ta cần có 3 cây, đảm nhiệm 3 vài trò khác nhau trong chậu cây: một cây có màu sắc, hoặc kiểu dáng, hoặc chiều cao nổi bật dùng làm cây chủ trong chậu. Cây chủ thoạt tiên sẽ thu hút ánh mắt của người nhìn vào chính nó, sau đó ánh nhìn sẽ lan tỏa ra các cây khác trong chậu. Tôi hay dùng từ "Chủ" để thay cho từ "Thriller" của tiếng Anh để gọi cây này.


Tiếp theo chúng ta cần có 1-3 nhỏ hơn để đảm nhiệm vai trò "Chen", tức là mọc chen chúc trong chậu, tạo cảm giác "xôm tụ" cho chậu cây. Trong tiếng Anh, cây "Chen" được gọi là "Filler". Về cây "Chen" chúng ta nên dùng những loại cây có thói quan phát triển nhanh để mau làm kín chậu.


Cuối cùng là cây "Chùng" (tiếng Anh là "Spiller"). Cây chùng nên là loại cây có dạng rủ, buông lơi để làm mềm cả chậu.


Ba loại cây Chủ-Chen-Chùng, nên được chọn sao cho có được sự tương phản (contrast) hoặc là tương đồng (compliment) với nhau. Tương phản tạo sự hưng phấn; ngược lại tương đồng tạo sự bình yên.




Chúng ta có thể tạo sự tương phản trong chậu 3-C bằng màu sắc của cây hoặc bằng kết cấu của lá, ví dụ lá kim và lá phiến; lá tròn và lá thuôn, v.v... Sự tương đồng cũng thế.
Lưu ý:
- Đặt cây "chủ" ở giữa chậu, cây "chen" chung quanh cây "chủ" và cây "chùng" ở một mép chậu. (Nếu chậu để sát tường - chỉ nhìn thấy một mặt trước, đặt cây "chủ" phía mép sau của chậu, cây "chen" hai bên cây "chủ" và cây "chùng" ở mép trước của chậu.)
- Chọn kích thước chậu sao cho hài hòa với kích thước cây và bộ rễ của cây.
- Chọn cây trồng có cùng chế độ ánh sáng và nước tưới để bảo đảm nguyên chậu phát triển tốt.
- Sử dụng loại "chất trồng không đất".

Wednesday, August 31, 2011

Nổi buồn & Niềm vui Dạ Yên Thảo

Ất hẵn tất cả chúng ta đều ít nhiều "bị" Dạ yên thảo / Petunia mê hoặc bởi vẻ đẹp của chúng. Và ắt hẵn trong chúng ta cũng đã nhiều lần thốt  lên "thôi, không trồng dạ yên thảo nữa" bởi sự ỏng ẹo của chúng. Trong số này có chủ blog!
Tôi đã từng hí hửng và từng thất vọng khi trồng dạ yên thảo; hí hửng khi vừa trồng và thất vọng sau một mùa hoa vì không tìm hiểu kỹ về loài hoa này. Mãi đến gần đây, sau bao nhiêu lần thất bại, tôi mới chịu đọc và giờ đây xin chia sẻ với bạn bè của "Chuyện trồng cây".
Dạ yên thảo, tên tiếng Anh là Petunia, là một loại hoa một mùa (annual); nghĩa là chúng chỉ trổ bông một đợt rồi tàn luôn cả cây. Chúng ta thường mua dạ yên thảo ở ngoài chợ khi chúng đang tưng bừng trổ bông.



Sau một thời gian, khi những cái ngọn dạ yên thảo vươn dài, chùng xuống chung quanh cái chậu treo thì cũng là lúc những cái lá ở gốc vàng, rụng... và cái gốc trong chậu nhìn rất chán, như thế này.



Song vì chúng ta thấy ở đầu ngọn vẫn có hoa và hoa vẫn tươi nên chúng ta không cắt bỏ cành trơ, để thế "chịu đựng" một thời gian và cuối cùng chậu dạ yên thảo ra đi, bởi lẽ chúng đã... hết sức sống!
Khi nhìn thấy dạ yên thảo "trơ gốc", việc chúng ta cần làm là... cắt bỏ hết những cành vươn dài. Trước khi cắt, chúng ta quan sát thật kỹ phần gốc sẽ thấy ở đó "dường như là" đang có những mầm tược mới, dù rất bé. Đó là tín hiệu tốt!


Việc cần làm tiếp theo là...nhấc cả gốc dạ yên thảo ra khỏi chậu, nhẹ nhàng bỏ bớt phần đất ở đáy chậu, rồi cho thêm chất trồng mới vào và đặt lại cây vào chậu. Kinh nghiệm của chú blog là nhà vườn, khi trồng dạ yên thảo để bán cho chúng ta, đã dùng chất trồng khá xốp nên không cần phải thay. Chúng ta cho thêm chất trồng mới, có trộn thêm dinh dưỡng, để kích thích cây ra rễ mới.
Cuối cùng là tưới tắm và theo dõi. Chỉ một thời gian ngắn sau đó, chúng ta sẽ thấy những mầm tược ở gốc lớn dần và chậu dạ yên thảo lại rực rỡ bông khi những cái tược này phát triển đúng độ.

Chúng ta "buộc" dạ yên thảo hồi sinh được bởi vì ở VN, khí hậu không quá lạnh và dạ yên thảo thuộc chủng loại hoa "mùa hè" ở các nước ôn đới.
Cho tới lúc này, hai chậu hoa dạ yên thảo ở TSV đang vào độ sung mãn sau khi được cắt ngắn tận gốc hơn 1 tháng trước đây.


Ngoài ra, một lưu ý nữa nếu bạn trồng dạ yên thảo là chúng nó rất "háu ăn" nên chúng ta phải thuờng xuyên bón phân, hoặc là bón qua lá hoặc là bón vào gốc. Và nếu chúng bị bệnh "nổi gân, vàng lá" thì chứng tỏ chúng ăn chưa đủ và/hoặc chất trồng có độ pH cao hơn nhu cầu của chúng. Lúc ấy bạn phải làm song song hai việc, tưới giấm pha loãng và tăng cường bón phân, ít nhất là mỗi tuần một lần.
Dù là thế, tôi nghĩ rằng chậu dạ yên thảo cũng sẽ sớm tàn rụi bởi vì... cuối cùng chúng cũng chỉ là loại cây một mùa! Nhưng chí ít bạn cũng đã có thời gian thưởng thức vẻ đẹp của nó dài hơn khi bạn biết cách chăm sóc chúng.
Chúc bạn thành công.
Related Posts with Thumbnails