Monday, January 17, 2011

Thật ra điều gì "thúc" lan huệ trổ bông?

Đang là mùa lan huệ trổ bông nên chắc hẳn mọi người cũng muốn tìm hiểu thêm về loài hoa này.
Trước đây, như tôi đã nói, lan huệ không được ưa chuộng bằng những loài hoa khác vì ở VN chúng không đa dạng sắc màu cho nên chúng được sống tự nhiên, lúc nào muốn trổ bông thì trổ.  Giờ đây khi con số những người yêu thích loài hoa này ngày càng tăng thì mọi người lại muốn "điều khiển" lan huệ cho chúng trổ bông theo ý muốn của mình thay vì phải ngồi nhìn một đám lá màu xanh quanh năm suốt tháng.
Trong những entries truớc tôi đã có chia sẻ cách "ép" lan huệ trổ bông. Entry này tôi muốn giải tỏa một thắc mắc mà có lẽ nhiều người khác trên những diễn đàn về lan huệ cũng đang gặp phải để từ đó chọn được phương pháp "ép" lan huệ thích hợp. Đó là điều gì thực sự thúc đẩy lan huệ trổ bông?
"Dân chơi huệ ở VN" chúng ta "ép" lan huệ trổ bông theo vài cách, hoặc là "nhổ lên-phơi nắng-trồng xuống", hoặc là "nhổ lên-cắt lá và rễ-phơi chỗ mát đợi lên vòi bông-trồng xuống", hoặc là "nhổ lên-cắt lá và rễ-cho ngủ tủ lạnh-trồng xuống". Mỗi cách làm đều có thể mang lại kết quả nhất định, nhưng có lẽ chúng ta chưa hiểu hết một cách chính xác vì sao những cách "ép" huệ như vậy lại khiến huệ trổ bông?


Một số người cho rằng khi bị nhổ ra khỏi đất thì củ huệ bắt buộc vì lý do bảo tồn nòi giống, nó phải trổ bông nên không cần làm thêm gì nữa. Theo thông tin tham khảo, việc cây cối khi bị đe dọa cuộc sống, thường có phản ứng "tự vệ" bằng cách lập tức trổ bông (bloom on emergency). Vì vậy người ta thường ứng dụng phản ứng này để ép một số loài cây trổ bông, ra trái. Nhưng đối với lan huệ thì chuyện này không xảy ra bởi lẽ vòi bông trong củ huệ đã được hình thành từ 18 tháng trước khi trổ ra ngoài. Như vậy việc chúng ta nhổ bật gốc rễ của nó không phải là làm cho nó "sợ" để phải trổ bông tức thì. (Tài liệu tham khảo thêm tại đây.)
Việc chúng ta nhổ lan huệ lên rồi cắt hết rễ và lá của nó, chủ yếu là ép cho củ huệ không tăng trưởng nữa. Quan sát trong tự nhiên, người ta thấy cây lan huệ phát triển theo chu kỳ, và đến một giai đoạn nào đó trong chu kỳ nó ngừng phát triển rễ và lá (dormancy), để dồn dinh dưỡng đẩy những vòi bông đã có sẵn trong củ ra ngoài và trổ bông. (Tài liệu tham khảo thêm tại đây.)


Thời gian lan huệ ngừng phát triển thường rơi vào mùa mà khí hậu bên ngoài xuống thấp, ánh sáng mặt trời yếu. Đến lúc ấy, lan huệ "hiểu" rằng không nên phát triển rễ và lá nữa mà nên đẩy vòi bông ra ngoài đợi đến khi thời tiết ấm áp hơn để trổ bông.


Các công ty kinh doanh lan huệ hàng đầu trên thế giới đã "nắm" được quy luật ấy của lan huệ nên họ thường thực hiện những công đoạn xử lý tương tự thiên nhiên bằng cách hạ nhiệt độ và giảm ánh sáng làm cho lan huệ "nghĩ" rằng đã vào mùa đông để ra sức "đẩy" vòi bông ra ngoài.


Và những người nghiên cứu về lan huệ có uy tín đã đi đến kết luận rằng: chính nhiệt độ và ánh sáng đã thúc lan huệ trổ bông. (Xem tài liệu tham khảo đã dẫn). Riêng tôi nghĩ rằng, đối với những người trồng lan huệ ở xứ nóng quanh năm, ánh sáng chan hòa thì việc "ép" huệ trổ bông bằng cách "ngủ tủ lạnh" là hoàn toàn cần thiết.

10 comments:

  1. xin chào Hà Xuân. tôi là một người rất hâm mộ hoa lan huệ. tình cờ được biết chị cũng là môt người sành về loài hoa này, nên rất ngưỡng mộ. hiện tại trên blogger cua chị có quá nhiều giống hoa mới mà tôi rất thích và rất muốn hỏi chị kinh nghiệm cũng như về nguồn xuất xứ của những giống hoa này. Nếu chị không thấy phiền làm ơn trao đổi kinh nghiệm cua chị với tôi. xin chân thành cảm ơn chị. dưới đây là dịa chỉ hộp thư của tôi: duongtamtruc@yahoo.com. Rất mong nhân được hôi âm của chị.

    ReplyDelete
    Replies
    1. Chào chị Tâm Trúc, sẽ liên lạc với chị bằng email riêng nhé.
      Cám ơn chị đã ghé blog.

      Delete
  2. ngưỡng mộ quá những bài viết của chị.

    ReplyDelete
  3. Cháu chào cô ạ! hiện tại cháu đang học về rau, hoa, quả nhưng thực sự không biết đến khi nào cháu mới có vốn kiến thức, kinh nghiệm như cô. Sắp tới cháu cũng có nghiên cứu về lan huệ, cháu mong nhận được sự giúp đỡ của cô ạ! nếu có thể cô có thể liên lạc với cháu qua địa chỉ mail: letrangrhqk54@gmail.com được không ạ? cháu cảm ơn!

    ReplyDelete
  4. con cũng đã thử cách cô chỉ, nhưng mới hơn 2 tuần mà thấy củ huệ ''xanh xao'' quá, không biết có thành công không!!!

    ReplyDelete
  5. chào cô! con có ý này muốn hỏi. giả sử tết gần đến mà xem tình hình lan huệ ra hoa sớm hơn dự tính, thì lúc lan huệ mới nhú nụ ra (khoảng 1 cm) thì đem nhổ lên, bỏ vào tủ lạnh ngủ thêm vài ngày, khoảng 10 ngày chẳng hạn, để kịp tết. làm như vậy có được không, cho lan huệ ngủ 2 lần có ảnh hưởng gì đến vòi hoa đã nhú lên, vòi hoa có bị nghẹt không.
    cám ơn cô

    ReplyDelete
    Replies
    1. Chào pt.vuong:

      Theo cô cháu làm như thế cũng được đấy, nghĩa là lại đem cho em huệ đó vào tủ lạnh nằm tiếp.

      Song cô nghĩ nó cũng có ảnh hưởng ít nhiều đến chất lượng cái bông. Dù sao, cháu cũng phải thử làm mới biết như thế nào hén.

      Chúc cháu thành công, có chậu huệ đẹp chơi tết.

      Delete
  6. chào cô! tết vừa qua huệ nhà em nó lên hoa kì quá. 1 củ đến 2 vòi nhú lên khỏi cổ củ cùng 1 lúc, được 1 cm thì 1 vòi đứng lại. 1 vòi lên trước, nở ra thì cũng nở trước 2 hoa trong 4 hoa. em muốn cho nó nở đồng loạt 2 vòi và cả 4hoa/ vòi luôn được không. có cách nào kích thích nó không. trường hợp khác, có vài củ vì e muốn cho nó lùn, nên cuống hoa mới cao được 3cm là e chủ động tách nụ ra luôn ( hé hé ra thui - mỗi ngày 1 tí). mới đầu sợ bị j. tách ra thấy nụ hoa còn non, còn xanh. chưa hình thành màu sắc lun. nhưng kết quả hoa vẫn nở và lùn rất đẹp.

    ReplyDelete
    Replies
    1. Chào cháu năm mới

      Chúc mừng cháu đã thành công trong việc "lùn hóa" vòi bông lan huệ.

      Còn việc làm cho tất cả các hoa trên các vòi bông đồng loạt nở thì...cô không biết cách nào cả. Cháu hãy tiếp tục nghiên cứu và thử nghiệm rồi chia sẻ nhé.

      Delete

Related Posts with Thumbnails